Đúng là năm nào bạn cũng đón Tết Táo Quân đấy nhưng không phải ai cũng biết được hết truyền thuyết, ý nghĩa hay của những tập tục trong ngày này. Cùng Thẩm mỹ viện Ngọc Dung tìm hiểu nhé!
Tết Táo Quân là gì?
Những ngày cuối năm, người người, nhà nhà đang náo nức, rộn ràng không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Tết đang đến rất gần, điều này được minh chứng bởi cái rét đặc trưng của miền Bắc hay màu nắng chói chang của miền Nam.
Theo truyền thống thì ngày 23 tháng Chạp là ngày Tết Táo Quân (hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo) – ngày mà từ người già đến trẻ nhỏ, từ người lớn đến người bé đều háo hức trông chờ.
Dịp Tết Táo Quân, các mẹ các dì khi đi chợ đều không quên mua một hoặc vài ba con cá chép để cúng ông Táo. Người Việt ta tin rằng đến ngày 23 tháng Chạp ông Táo lại cưỡi cá chép về trời để trình báo chuyện bếp núc và những việc đã xảy ra trong gia đình gia chủ với Ngọc Hoàng. Vậy tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép chứ không phải một con vật nào khác?
Theo truyền thuyết, cá chép vàng là loài động vật sống ở thiên đình, do phạm lỗi nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian để tu tập nhằm chuộc lại tội lỗi mình đã gây ra.
Sau khi tu thành công, cá chép hóa rồng và bay lên trời. Còn ông Táo là do thượng đế cử xuống trần gian để theo dõi con người, xem ai là người thiện ác. Sau đó, ông Táo sẽ về lại thiên đình để trình báo với Ngọc Hoàng, và muốn lên trời phải nhờ đến cá chép.
Ý nghĩa của tục phóng sinh cá chép vào Tết Táo Quân
Với ước mong Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn bình an, nên hàng năm vào dịp Tết Táo Quân người ta sẽ làm lễ tiễn táo quân một cách long trọng.
Như đã nói, cũng vì cá chép là phương tiện duy nhất đưa ông Táo lên trời nên vào ngày này, sau khi làm lễ cúng xong, các gia đình đem cá chép ra ao hoặc sông để thả với ngụ ý cá chép sẽ vượt vũ môn để hóa rồng.
Ngoài việc làm phương tiện cho ông Táo về trời, trong tâm thức người Việt thì cá chép vượt vũ môn hay cá chép hóa rồng còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì để đạt được thành công trên con đường học vấn. Chính vì vậy, tục phóng sinh cá chép trở thành truyền thống tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử và được duy trì đến tận ngày hôm nay.
Những nét văn hóa đặc sắc vào dịp Tết Táo Quân
-
Các nước đều cúng thần bếp
Không chỉ có người dân ở Việt Nam, người dân ở các nước Trung Quốc, Đài Loan, Singapore cũng cùng gia đình đón ngày 23 tháng Chạp với ý nghĩa là ngày cúng các vị thần bếp và cũng là ngày khởi đầu cho nhiều sự thuận lợi, may mắn trong một năm.
-
Đồ cúng
Vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt thường quây quần với gia đình để chuẩn bị lễ cúng và phóng sinh cá chép. Trong khi đó người Trung Quốc thường cùng gia đình chuẩn bị lễ cúng, dọn dẹp nhà cửa và cùng nhau thưởng thức kẹo mạch nha.
Đồ cúng của người Việt gồm mũ, áo, hài Táo quân và đồ cúng là hoa quả, lễ mặn. Đồ cúng của người Trung Quốc lại là nước, bánh kẹo, đậu nành và thức ăn gia súc (dành cho ngựa của các vị thần Bếp). Việc cúng mạch nha nhằm cầu mong thần bếp sẽ ăn đồ ngọt, sau đó nói những điều tốt đẹp nhất về gia đình mình cho Ngọc Hoàng. Thậm chí người Trung Quốc còn đặt chiếc kẹo này vào miệng của thần Bếp (giấy) nữa đấy.
-
Tục dựng cây nêu
Nhiều năm trước người Việt còn có tục dựng cây nêu ngày Tết vào đúng 23 tháng Chạp. Vì kể từ ngày này Táo quân về trời và vắng mặt cho tới tận đêm Giao thừa thì ma quỷ sẽ lẻn về quấy nhiễu nhà cửa nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Hiện nay chỉ còn một số vùng miền giữ được phong tục này, phần lớn người dân ở các thành phố lớn đều đã bỏ tập tục dựng cây nêu.
-
Mở cửa bếp để đón thần Bếp
Theo quan niệm người xưa, các Táo quân, thần Bếp sẽ cùng ăn Tết với các gia đình. Vì vậy trong đêm 30 Tết, dù có bận rộn đến mấy đi nữa thì bạn cũng phải nhớ là mở cửa bếp để đón thần Bếp trở về nhà, qua đó đón nhiều phúc lộc, may mắn trong năm mới bạn nhé!
Có thể thấy là dù Tết Táo Quân ở một số quốc gia mang những nét đặc trưng khác nhau, song tựu chung lại vẫn cho thấy sự đa dạng, phong phú trong văn hóa phương Đông, mang ý nghĩa lớn lao về việc cầu cho một năm thuận buồm xuôi gió, gia đạo bình an.
Một số câu hỏi liên quan đến ngày Tết Táo Quân
-
Cúng Tết ông Công ông Táo có cần đúng vào ngày 23 tháng Chạp không?
Như đã nói, cúng ông Công ông Táo là truyền thống có từ ngàn xưa, mọi phong tục liên quan đến ngày Tết này lâu nay chúng ta chỉ nghe qua truyền miệng. Ông bà ta quan niệm rằng khoảng 11 đến 12 giờ trưa là thời điểm ông Công, ông Táo đã bay về chầu trời rồi. Vì thế, khâu cúng lễ bắt buộc phải được tiến hành trước khoảng thời gian này.
Với các gia đình quá bận rộn vào những ngày cuối năm cũng đừng quá lo lắng. Bạn không nhất thiết phải cúng lễ vào đúng ngày 23 tháng Chạp, chỉ cần cúng trước thời điểm ông Công, ông Táo bay về chầu trời là được. Tùy thuộc vào điều kiện thời gian, điều kiện hoàn cảnh mà chúng ta sẽ chọn thời gian cúng lễ sao cho hợp lí, nhưng tốt nhất vẫn nên đúng vào ngày 23 tháng Chạp nhé!
-
Tổ chức lễ cúng ở đâu là thích hợp nhất?
Theo truyền thống văn hóa của dân gian thì bàn thờ ông Táo thường được đặt trong bếp, bên cạnh hoặc phía trên gian bếp chính của gia đình.
Điều này thể hiện sự kính trọng đối với vị thần cai quản chuyện bếp núc, giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình luôn hòa thuận, vui vầy quanh năm.
Ngày xưa thì lễ cúng ông Công ông Táo sẽ được đặt trong bếp. Nhưng ngày nay thì việc thờ cúng cũng đã đơn giản hơn rất nhiều rồi. Trường hợp nhà bạn không có bàn thờ riêng ông Táo thì sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp, thêm một mâm khác thắp hương ở bàn thờ thần linh, gia tiên là đủ.
-
Nếu ở nhà thuê thì có cần cúng ông Công, ông Táo hay không?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra. Có ý kiến cho rằng nếu ở nhà thuê thì không cần phải cúng Tết ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, theo những chuyên gia phong thủy thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, việc thờ cúng là vấn đề tâm linh cần được quan tâm.
Nếu bạn là người từ quê vào thành phố lập nghiệp, ở nhà thuê hoặc nếu bạn là sinh viên ở trọ riêng biệt với chủ nhà thì hãy làm một mâm lễ thật đầy đủ để cúng Tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp nhé! Còn nếu bạn ở chung với chủ nhà mà họ đã cúng lễ rồi thì bạn không cần cúng nữa.
-
Mâm lễ cúng ông Công, ông Táo gồm những gì?
Một mâm cúng ông Công, ông Táo đầy đủ gồm có: Mâm cỗ mặn, hương hoa, đèn, trầu cau, hai mũ Táo ông, một mũ Táo bà, bộ quần áo và cá chép.
Như đã đề cập ở trên, việc cúng cá chép với ngụ ý “Cá chép hóa rồng” theo phong tục từ xa xưa, người dân sẽ cúng cá chép sống làm phương tiện cho các Táo về trời. Sau khi lễ cúng đã xong thì cá chép sẽ được phóng sinh.
-
Cúng bao nhiêu con cá chép vào ngày Tết Táo Quân là đủ?
Nên mua ba con cá chép sống để cúng Tết ông Công, ông Táo là đủ. Bạn không cần cúng quá nhiều, cũng không nên cúng ít hơn.
-
Tại sao lại cần mua ba con cá chép sống để cúng Tết ông Công, ông Táo?
Dân gian quan niệm rằng nếu cúng cá chép bằng vàng mã thì ông Công, ông Táo sẽ không có phương tiện về chầu trời mà chúng ta lại không thể có tục lệ phóng sinh. Đây là một tục lệ mang một ý nghĩa văn hóa nhất định, thể hiện được tinh thần nhân đạo của người Việt từ xưa đến nay.
Khi chọn mua cá chép để cúng ông Công, ông Táo, chị em nên chọn cá chép đỏ, chọn những con cá bơi mạnh, vây và vảy vàng óng. Khi mua về, bạn nhớ thả chúng vào nước sạch để cá được khỏe mạnh nhất lúc phóng sinh nhé!
Có thể nói là cúng Tết ông Công, ông Táo là một phong tục có giá trị tinh thần sâu sắc của ông cha ta. Chính vì thế, bạn đừng xem nhẹ việc này mà hãy chuẩn bị một mâm lễ cúng thật đầy đủ chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp sắp tới nhé! Đừng quên đón đọc những thông tin thú vị trong các bài viết tiếp theo của chúng tôi.
Xem thêm:
-
Râu rồng và mối đe dọa nghiêm trọng với nhan sắc của phái đẹp
-
Diamond FLX PRO 2019: Siêu phẩm Trẻ hóa – Nâng cơ chỉnh hình toàn mặt với ưu điểm vượt trội
Hệ thống Thẩm mỹ viện Ngọc Dung được thành lập từ năm 1998, luôn tiên phong trong việc cập nhật, ứng dụng những xu hướng thẩm mỹ quốc tế hiện đại, ưu việt nhất, không ngừng mang đến các giải pháp làm đẹp toàn diện, an toàn.
Xem thêm thông tin tại:
- Facebook: Ngọc Dung Beauty
- Website: thammyvienngocdung.com
- Hotline: *3232 (1800 6377)